Tiểu sử Cố Hòa thượng Thích Đức Tâm:
Hòa thượng Thích Đức Tâm thế danh Trần Hoài Cam. Sinh giờ Tỵ, ngày 12 tháng 10 năm Mậu Thìn, dương lịch 23/11/1928 tại làng Bồi Thành tức là Cồn Hến, xã Hưng Lưu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nay là phường Vĩ Dạ, thành phố Huế.
Thân phụ là cụ ông Trần Hy, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Lương. Hòa Thượng là người con trai độc nhất của hai cụ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà song thân đều thành tâm quy ngưỡng Tam bảo, nên từ nhỏ thượng đã được nuôi dưỡng và hấp thụ nhiều kiến thức Phật pháp căn bản từ song thân. Cộng với thời gian gần mười năm theo học chữ Quốc ngữ, Hòa Thượng lại có cơ duyên thâm nhập thêm giáo lý qua các kinh luận mà song thân thường tụng đọc. Vốn liếng ấy đã âm thầm nung nấu chí nguyện xuất gia cầu đạo giải thốt trong tâm trí Hòa Thượng.
Năm 14 tuổi, Nhâm Ngọ, 1942 Hòa Thượng xin phép song thân đến chùa Ba-la-mật, bái yết Hòa thượng Trí Thủ cầu xin xuất gia.
Có thể nói, khi chấp thuận cho Hòa Thượng xuất gia hai cụ đã vượt xa quan niệm nặng nề cố hữu của người phương Đông, khi chỉ có một người con trai độc nhất để nối dõi tông đường. Quyết định này, thực sự hai cụ đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần giải thoát cao cả của Phật giáo một cách vô cùng đáng trân trọng.
Năm 15 tuổi (Quý Mùi,1943), Hòa thượng được Bổn sư cho phép thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Báo Quốc, Huế và đặt pháp danh là Nguyên Tánh, pháp tự Đức Tâm, hiệu Hải Tạng, thể nhập đời thứ 44, dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 dòng thiền Thiệt Diệu Liễu Quán.
Sau khi thọ Sa-di giới, Hòa thượng liền được theo học lớp Sơ đẳng tại Sơn môn Phật học đường Linh Quang, Huế. Nhờ trí thông minh và sự chăm chỉ học tập, nên một năm sau, Giáp Thân 1944, Hòa thượng được chuyển qua học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Báo Quốc. Trong thời gian này, lớp Cao đẳng và Siêu đẳng đã chuyển lên Đại Tòng lâm Kim Sơn, thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, và chỉ còn lại hai lớp Sơ đẳng và Trung đẳng. Nhưng hai lớp này rồi cũng bị gián đoạn thời gian khi cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ vào cuối mùa Đông năm Bính Tuất 1946.
Mãi cho đến đầu năm Mậu Tý 1948, Phật học đường Báo Quốc mới tái khai giảng và mở thêm lớp Cao đẳng. Hòa thượng lại tiếp tục theo học lớp Cao đẳng này.
Năm 1949, Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại giới đàn chùa Báo Quốc. Giới đàn này do Hòa thượng Tòng lâm Pháp chủ Trung việt Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu.
Sau khi thọ đại giới và tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Báo Quốc, Hòa thượng càng chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi nhiều kinh luật luận. Cũng bắt đầu từ đây, chí nguyện của Hòa thượng lại lưu tâm rất nhiều đến phương diện hoằng pháp bằng các phương tiện truyền thông, báo chí hoặc qua các Trung tâm Văn hóa Phật giáo,v.v… Nhất là trong suốt mười năm Hòa thượng đảm nhận trọng trách Tổng thư ký tòa soạn Liên Hoa Nguyệt san và năm năm Hồ thượng làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế.
Mở đầu cho sự nghiệp hoằng pháp, Hòa thượng đã cùng với quý Hòa thượng Minh Châu, Thiện Ân và Chơn Trí, hợp tác biên soạn cuốn Phật pháp bốn cấp để làm giáo trình tu học cho tổ chức Gia đình Phật tử. Sau khi tổ chức này được Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định thay đổi danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ thành danh hiệu Gia đình Phật tử, trong kỳ hội nghị huynh trưởng tồn quốc vào tháng tư năm 1951 tại chùa Từ Đàm.
Đây là cuốn sách Phật pháp đầu tiên được Hòa thượng cùng với quý Hòa thượng biên soạn rất sớm và nhiều công phu. Chương trình giảng dạy Phật pháp và áp dụng Phật pháp vào đời sống thực tế cho thế hệ trẻ, trình bày có phương pháp khoa học, có hệ thống chặt chẽ. Rất dễ học và dễ hiểu. Đã đáp ứng kịp thời cho sự tu học của tổ chức Gia đình Phật tử.
Từ ấy đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, chương trình tu học của Gia đình Phật tử tuy có sửa đổi, nhưng nội dung cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị và rất cần thiết cho tổ chức Gia đình Phật tử.
Cũng từ năm Tân Mão, 1951 trở đi, Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, cung thỉnh Hòa thượng làm cố vấn Giáo hạnh và phụ trách giảng dạy Phật pháp cho các khóa huấn luyện Huynh trưởng, các lớp tu học thường kỳ của tổ chức này.
Ngoài ra, sau khi trường Bồ-đề Huế được thiết lập và khai giảng năm 1952 do Hòa Thượng Minh Châu làm hiệu trưởng, Giáo hội Tăng-già Thừa Thiên lại công cử Hòa thượng phụ trách giảng dạy giáo lý cho trường Bồ-đề. Có thể nói, đây là thời kỳ có nhiều cơ duyên thuận lợi nhất để Hòa thượng thực hiện chí nguyện hoằng Pháp độ sinh một cách tích cực. Hòa thượng đã thực sự thành công khi áp dụng môn Phật pháp và chương trình giáo dục cho thế hệ trẻ trong tổ chức Gia đình Phật tử và học sinh tại các trường Bồ-đề. Đến đầu năm Giáp Ngọ, 1954, Giáo hội Tăng-già Thừa thiên cử Hòa thượng về trụ trì chùa Diệu Đế, Huế.
Cuối năm Ất Mùi, 1955, Tổng Trị sự Giáo hội Tăng-già Trung Việt lại có quyết định cử Hòa thượng giữ chức vụ Tổng Thư ký Tòa soạn Liên Hoa Nguyệt san Văn tập, cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng-già Trung Việt.
Qua năm Mậu Tuất, 1958, Liên Hoa Văn tập được Tổng Trị sự đổi tên thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng-già Việt Nam. Hòa thượng vẫn giữ Tổng Thư ký tòa soạn.
Mười một năm sau từ năm Bính Thân, 1956, đến năm Bính Ngọ, 1966 đảm nhận trọng trách Tổng Thư ký Tòa soạn, Hòa thượng đã hợp lực cùng Hòa thượng chủ nhiệm Trừng Nguyên Đôn Hậu và Ni trưởng Diệu Không làm Thủ quỷ, phát huy sáng kiến trong việc tổ chức và xây dựng Tạp chí Liên Hoa. Từ đó, Liên Hoa Nguyệt san trở thành một cơ quan hoằng pháp mẫu mực, một tạp chí Văn hóa Phật giáo mang đậm bản sắc thuần tuý Văn hóa Dân tộc.
Liên Hoa Nguyệt san là một tạp chí hoàn chỉnh cả nội dung lẫn hình thức, đã được Chư tôn Thiền đức và đồng bào Phật tử nồng nhiệt đón đọc và không hết lời khen ngợi.
Trải 11 năm ấn hành liên tục, đến giữa năm Bính Ngọ, 1966 thì phải đình bản vì cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt của Phật giáo Việt Nam với chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu.
Mười một năm đảm nhận trọng trách này, Hòa thượng đã không ngừng cống hiến công sức nhằm phát huy và bảo tồn nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, cũng như phổ cập giáo lý đến mọi tầng lớp đồng bào Phật tử qua tạp chí Liên Hoa Nguyệt san.
Ngày nay, Liên Hoa Nguyệt san đã đi vào quá khứ, nhưng nó đã ghi dấu hành đạo của một thời hưng thịnh vẫn mãi mãi rạng ngời trong làng Báo chí Phật giáo Việt Nam.
Cuối năm Quí Mão, 1963, cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ của Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã sụp đỗ, Phật giáo Việt Nam đã thốt khỏi cơn pháp nạn và đang bắt đầu công cuộc xây dựng.
Ngày 30.12.1963, một Hội nghị Phật giáo toàn miền Nam Việt Nam, gồm 11 giáo phái và Hội đồng Phật giáo Nam Bắc tông, được tổ chức trọng thể tại chùa Xá Lợi, Sài gòn, nhằm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa thượng đã được Tổng Trị sự Giáo hội Tăng-già Trung Phần và Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần công cử Hòa thượng làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo miền Trung vào tham dự Hội nghị.
Vào năm Giáp Thìn, 1964, Giáo hội Tăng-già Thừa Thiên lại cử Hòa thượng về trú trì chùa Diệu Minh. Ngôi chùa này, do Hòa thượng Trí Uyên, đệ tử của Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành và là pháp huynh của Hòa thượng Trí Thủ, kiến tạo từ năm Nhâm Tý, 1912 trên đất làng Bồi Thành.
Sau khi về trụ trì, Hòa thượng liền vận động đồng bào, Phật tử làng Bồi Thành, cùng thiện nam tín nữ hợp sức trùng tu chùa Diệu Minh. Từ một ngôi chùa đơn sơ, nhỏ hẹp nằm thu mình trên một vùng đất hoang vu, cỏ dại, đã trở thành một ngôi danh lam rạng rỡ trên một miền đất phù sa xanh tốt bên dòng sông Hương Giang, miền đất được mệnh danh là nơi ”sương khói mờ nhân ảnh” của chốn Cố đô.
Sau khi công cuộc trùng tu hoàn tất, Hòa thượng đổi tên “Diệu Minh tự” thành "Pháp Hải tự”.
Đầu năm Kỷ Dậu,1969, Hòa thượng đề xuất ý kiến với Ban Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh và Giáo hội tỉnh Thừa Thiên, xin thiết lập một Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại Huế. Ý kiến của Hòa thượng đã được hai cấp Giáo hội đồng tình chấp thuận và cho tiến hành thủ tục.
Đến ngày vía Phật thành đạo, mồng 8 tháng Chạp, năm Kỷ Dậu (15.01.1970), Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã được khởi công xây dựng. Cơ sở đặt tại số 15, đường Lê Lợi, Huế. Bước đầu, Giáo hội đề cử Hòa thượng đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo nầy.
Trên cương vị Giám đốc, Hòa thượng đã có nhiều đề án thiết thực, như xúc tiến xây dựng một cơ sở khá quy mô, cho chuyển nhà in Liên Hoa, số 01 kiệt Từ Quang, Huế về đặt tại Trung tâm để in kinh sách, Tạp chí Phật giáo, phục vụ các ấn phẩm cho văn phòng Giáo hội, cho các Phật học viện, cho các trường Bồ-đề và các cơ sở Phật giáo khác.
Năm 1972, Hòa thượng được cung cử chức vụ Phó Đại diện kiêm Đặc ủy Hoằng pháp tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1973, Đại giới đàn Phước Huệ, Nha Trang được tổ chức, thượng đã giữ chức vụ Phó chủ khảo.
Cũng năm này, thượng được Bổn sư trao kệ đắc pháp hiệu Hải Tạng với bài kệ:
月 輪 穿 海 水
花 影 掃 階 塵
德 心 無 物 我
清 淨 證 常 身
Phiên âm:
Nguyệt luân xuyên hải thuỷ
Hoa ảnh tảo giai trần
Đức tâm vô vật ngã
Thanh tịnh chứng thường thân
Nguyên Hồng dịch:
Vầng trăng in đáy biển
Bóng hoa phẩy bụi thềm
Đức Tâm phi vật ngã
Thanh tịnh ấy chân thân
Năm Giáp Dần, 1974 nhằm mở rộng phương diện hoằng pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Phật tử ở vùng xa xôi, hẻo lánh có nơi dâng hương, lễ bái cầu nguyện, Hòa thượng lại dốc sức thành lập trang trại Châu Hoằng và kiến thiết thêm Châu Hoằng Liên Xã tự, tại một vùng cận sơn, thuộc thôn Lại Bằng, xã Hương Sơn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Đầu tháng tư nhuận, năm Giáp Dần (27/5/1974) công cuộc kiến tạo chùa được khởi công xây dựng. Sau khi công trình xây dựng hoàn tất, Hòa thượng giao cho Đại đức Thích Giác Hải đệ tử của Đại Lão Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang (1894-1977) chùa Châu Lâm, Huế lên trụ trì. Được một thời gian thì Đại đức Giác Hải viên tịch, và sau đó Hòa thượng Nguyên Truyền Tâm Thọ, chùa Vạn Phước, Huế trụ trì.
Năm 1978, Hòa thượng được cử làm Trưởng môn phái Tổ đình Từ Hiếu.
Sau ngày giải phóng, trong sự nghiệp vận động thống nhất Phật giáo cả nước, năm 1981 Hòa thượng là một trong 165 đại biểu dự Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.
Với tinh thần xây dựng Giáo hội, phụng sự quê hương xứ sở, năm 1982, thượng được Giáo hội cung thỉnh giữ chức vụ Phó Ban trị sự kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên nhiệm kỳ I và rồi cũng đắc cử với chức vụ ấy trong nhiệm kỳ II.
Năm Giáp Tý, 1984, sau khi nhị vị Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ và Tâm Huệ Thanh Trí viện tịch, Giáo hội và môn đồ suy cử Hòa thượng lên trụ trì chùa Báo Quốc, Huế. Bốn năm làm trụ trì, Hòa thượng không ngừng dốc sức tu bổ cho ngôi Tổ đình thêm phần rạng rỡ và tận tuỵ chăm lo đến đời sống hằng ngày của chư Tăng một cách đầy đủ giữa thời buổi kinh tế khó khăn.
Năm Bính Dần, 1986, trong đại hội kỳ III GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tại chùa Từ Đàm, lại công cử Hòa thượng giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Trị sự.
Đầu Xuân năm 1987 sau khi lâm bệnh, như linh cảm được báo duyên sắp mãn, Hòa thượng có lời di chúc cho các đệ tử trong chùa: “Quý vị có phước đức được xuất gia thọ lãnh giới pháp của Phật, vậy ở nội tâm phải luôn luôn cảnh giác. Ở ngoại cảnh phải thường thúc liểm sáu căn. Nhớ đến vô thường mà siêng năng tu học, lo liệu việc chùa đừng để bê trễ. Được thế, quý vị đã thương mến tôi quá nhiều!”, đồng thời cũng đã chia cho hàng đệ tử các vật kỷ niệm của mình.
Những ngày gần cuối cuộc đời, mùa Đông năm Đinh Mão, Hòa thượng đã đến tham yết một số Tổ đình để rồi vĩnh viễn ra đi không hẹn tháng ngày.
Hòa thượng đã viên tịch lúc 9 giờ 45 ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn tức 29 tháng 2 năm 1988 tại chùa Pháp hải, hưởng thọ 61 tuổi đời và 40 hạ lạp. Tháp của Hòa thượng được tôn trí trong khuôn viên chùa Tra Am – Huế.
Chùm ảnh của buổi lễ tưởng niệm:
HT. Thích Huệ Phước niêm hương bạch Phật
HT. Thích Đức Thanh đảnh lễ tưởng niệm
HT. Thích Huệ Phước đảnh lễ tưởng niệm
Lưu niệm tảo tháp Cố Hòa Thượng