Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Vấn đề sanh tử trong Phật giáo

Thứ sáu - 25/11/2016 17:42
Nói về Luân hồi sanh tử đức Phật khẳng định:“Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.”
Sanh tử là một vấn đề lớn (sanh tử sự đại), nó liên quan mật thiết, không thể tách rời để có nhau. Theo giáo lý Duyên khởi, nếu không có sanh thì không có tử, không có tử thì làm gì có sanh. Sanh và tử thường liên kết nhau để có mặt trên cuộc đời này, nó có nội dung hỗ tương cho nhau, chúng ta không thể tách một phần nọ để chấp nhận phần kia. Bởi lẽ sanh, tử là hai mặt của một thực tại duyên sanh. Nó được ví như hai bề mặt của một bàn tay, nếu chúng ta từ bỏ mặt trái để ôm lấy mặt phải, hay từ bỏ mặt phải để nâng niu, vuốt ve mặt trái, điều này không thể được.

Đấu tranh giữa hai vấn đề này là điều khó khăn, trăn trở cho con người đang đi trên hành trình trong cuộc sống và đang tiến về cái chết. Thông thường trong cuộc sống, chúng ta ai cũng tham sống và sợ chết, nhưng phải sống như thế nào để vượt lên trên nỗi sợ chết mới là điều đáng nói. Nó không chỉ là nỗi khó khăn trong cuộc sống hiện tại mà nó đã diễn ra từ quá khứ và còn tiếp tục đến cả tương lai. Chúng ta phải tìm hiểu và cần có cái nhìn thấu triệt về sự sống và cái chết. Được như thế, con người sẽ vượt ra khỏi khổ đau. Vấn đề sanh tử này, chính đức Phật đã chiêm nghiệm và dạy cho chúng ta sau khi Ngài thành Đạo. Ngài đã như thật thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận khổ đau và con đường đưa đến diệt trừ khổ đau. Ngài ngồi yên tĩnh, bất động trong niềm hạnh phúc giải thoát, thoát ly mọi sợ hãi, Ngài để tâm suy niệm về con người và cuộc đời, đâu là đầu mối của sanh tử. Ngài nhận thấy rằng “Khi cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”, đó là định lý duyên khởi của vạn pháp, chi phối toàn bộ sự thống khổ và hạnh phúc của con người.

Đức Thế Tôn quán chiếu mười hai nhân duyên theo thuận chiều vũ trụ vạn hữu: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử. Sau đó, Ngài lại suy niệm vòng nhân duyên theo chiều hoàn diệt: Khi Vô minh chấm dứt thì Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh và Lão tử cũng chấm dứt. Ngài suy tưởng thêm về mối tương quan trùng trùng duyên khởi của vạn pháp và quán triệt toàn bộ những suy niệm đó. Ngài thấy chúng là vô thường, vô ngã, tất cả đều giả dối, mong manh.

Qua những gì mà đức Phật chứng nghiệm cho chúng ta nhìn thấy, các pháp vốn duyên sanh, đối đãi, nó có mặt khi cái kia có mặt và tất cả đều nương theo ý niệm để phát sanh. Vấn đề sanh tử cũng vậy, nếu ta bằng lòng với nó thì cứ như thế mà trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Luân hồi ấy là do con người mê mờ, không thấy rõ thật pháp vô ngã, do chấp thủ, tham ái mà tạo ra các nghiệp thiện, ác khiến đi vào sanh tử, không có lối ra.

Nói về Luân hồi sanh tử đức Phật khẳng định:“Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.”  [Kinh Pháp Cú 60, bản dịch của Cố HT. Thích Thiện Siêu]

Hay: “Này A-nan, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như ổ kén, rối ren như một ống chỉ..., không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác xứ, sinh tử.” [Kinh Đại Duyên, (Trường Bộ Kinh III)]

Như thế, nói đến sanh tử chính là nói đến vòng quay của mười hai nhân duyên, trải qua ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai. Cho đến khi nào mười hai nhân duyên đoạn diệt thì vòng sanh tử mới chấm dứt. Nói chính xác hơn, khi nào vô minh, tham ái diệt hay chấp thủ không còn, thì khi ấy, con người mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Nếu vô minh, chấp thủ, tham ái còn thì vòng sanh tử tiếp tục quay vô cùng tận. Vậy trong cuộc sống, chúng ta cần ý thức sâu sắc để có cái nhìn thật sự về sự sống và cái chết, vì sống và chết là nội dung tác động đến hạnh phúc khổ đau của nhân loại.

Sống và chết là một sự thật hiển nhiên, mà con người không thể tránh né cái chết để bám víu sự sống, hay buông thả sự sống để đi tìm cái chết. Thông thường, chúng ta chỉ chấp nhận sự sống mà hoàn toàn phủ nhận cái chết. Chính vì vậy, nỗi lo lắng, sợ hãi đối với cái chết dồn dập, áp đặt lên cuộc sống của chúng ta. Từ đó, cuộc sống của nhân loại trở nên rối ren, mất sự thăng bằng, không còn bình an và hạnh phúc.

Để cuộc sống có ý nghĩa, có hạnh phúc và an lạc hơn, chúng ta phải dừng các duyên, xa rời ba độc tham, sân, si, không để nó chi phối tâm thức. Chính ngay lúc đó, chúng ta có thể cảm nhận được cái thoải mái, tỉnh táo, hân hoan và khi đó, sự sống đích thực và có ý nghĩa xuất hiện. Chính nhờ những khoảnh khắc đó mà cuộc đời tồn tại và cũng nhờ sự trưởng thành như thế mà cuộc sống trở nên ý vị, sinh động, mát mẻ và mầu nhiệm hơn. Ở đây, chúng ta đích thực đang sống, không bị ngoại duyên chi phối, không bị những tâm trạng phiền muộn khống chế nội tại, chúng ta hoàn toàn làm chủ tự thân và hoàn cảnh sống của chính mình. Được như thế, giữa cái chết và sự sống không có những khoảng cách làm cho chúng ta sợ hãi, mà ngược lại sống và chết là mối quan hệ rất mật thiết.

Nói như thế nhưng cuộc sống đâu dễ dàng như chúng ta nghĩ. Sự lựa chọn giữa hai cách sống: một là sống buông thả, không tự chủ, để tham ái chi phối cuộc đời; hai là sống luôn có ý chí hướng thiện, chủ động tự thân. Đó là một cuộc đấu tranh giữa lý trí và hành động trên bình diện tâm linh của con người. Trong hai cách sống trên, cách thứ hai chúng ta cần phải nỗ lực hết mình đấu tranh để đạt đến đỉnh cao của sự trưởng thành tích cực. Một sự đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp của sự sinh tồn, luôn đem trí tuệ để soi chiếu cuộc đời nhằm loại trừ những tâm niệm xấu xa, hèn hạ để rồi khai phá những chất liệu lành mạnh cần thiết đang tiềm ẩn bên trong thể xác con người của chúng ta. Nếu không như thế, cuộc sống buông trôi, tháng ngày dong ruỗi theo thói hư tật xấu, tạo nhiều tội lỗi, rồi ta sẽ chết.

Khuynh hướng của con người thường e ngại mỗi khi nhắc đến vấn đề chết, họ thường bỡ ngỡ không vui, cúi mặt làm ngơ mỗi khi có ai đề cập đến sự chết. Tất cả đều do bản tánh yếu ớt dưới tác động của ái dục và vô minh mà có. Khuynh hướng lẫn tránh, không muốn hiểu biết cái chết cũng tương tự như khuynh hướng e ngại kia. Mặc dầu mình có những triệu chứng bất thường nhưng vẫn không muốn đến bệnh viện để khám, vì sợ bác sĩ tìm ra một chứng bệnh mà mình không muốn có. Chúng ta phải học, phải biết giá trị của sự cần thiết, phải đối phó với thực tế. Tình trạng an toàn luôn nằm trong chân lý. Chúng ta hiểu biết hoàn cảnh của chúng ta càng sớm chừng nào càng được an toàn chừng đó. Bởi vì khi đó, chúng ta mới có thể hành động, bước những bước tiến cần thiết để cải thiện hoàn cảnh khó khăn ấy.
Tỳ kheo Thích Nhật Tuệ

  Ý kiến bạn đọc

Thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế nhiệm kỳ 2017-2022

TT PHÁP DANH, PHÁP TỰ HIỆN TRÚ CHỨC DANH 1  HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC PHƯƠNG  Chùa Lam Sơn  Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế 2  HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ ẤN  Chùa Phổ Quang  Giáo phẩm Chứng...


Facebook

Lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Tổng lượt truy cập18,343,440
Back To Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây